Cách bố mẹ giúp con giảm áp lực thi cử
Kỳ thi hàng năm, đặc biệt như thi đại học là một “trận chiến” không chỉ dành riêng cho các sĩ tử mà còn của các bậc phụ huynh. Ở đó, để giúp những đứa con ở độ tuổi thanh thiếu niên có thể vượt vũ môn thành công, các bậc làm cha mẹ cũng cần sự kiên nhẫn và chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng để cho con một chỗ dựa vững chắc.
Rối loạn tâm lý vì áp lực học hành
Theo thông tin từ Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, mới đây Khoa tiếp nhận, điều trị cho một nữ sinh 12 tuổi nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng và luôn hoảng sợ.
Theo người nhà chia sẻ, nữ sinh có tính cách hiền lành, ngoan ngoãn, học lực giỏi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do áp lực phải đạt được vị trí đứng đầu lớp mới được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi của trường, khiến em luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ. Tình trạng trên kéo dài khiến em thấy sợ đi học và không dám đến trường. Mỗi lần nghĩ tới chuyện đi học, em lại cảm thấy căng thẳng, sợ hãi. Điều này khiến em ngày càng mất ngủ, không tập trung vào học, học lực giảm sút.
Kết quả học tập giảm càng khiến trẻ cảm thấy lo lắng vì bị bạn bè chê cười, xem thường, thầy cô giáo khiển trách. Trẻ cảm thấy chán nản, không còn thiết tha mọi thứ trong cuộc sống. Thấy tình trạng bất thường của con, gia đình lo lắng nên đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, điều trị.
Tương tự, một trường hợp khác cũng nhập viện điều trị tại khoa Sức khỏe vị thành niên là một nữ sinh lớp 9 (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng, hay khóc… Tình trạng này diễn ra liên tục khi kỳ thi đến gần, khiến phụ huynh vô cùng lo lắng và đưa con đi khám, điều trị.
Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cả hai bệnh nhi trên được các bác sỹ xác định có các rối loạn về tâm lý liên quan đến áp lực học tập căng thẳng.
Năm 2022, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường Trung học Cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 đến 9). Kết quả cho thấy, các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỉ lệ 38%, tiếp theo là stress với 33%, trầm cảm là 26,1%.
Cha mẹ nên làm gì để giảm áp lực thi cử cho con?
Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Ngô Anh Vinh, áp lực học tập, thi cử là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, trầm cảm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong các trẻ đến khám, điều trị vì các biểu hiện lo âu, trầm cảm, căng thẳng có nhiều trẻ được đánh giá ngoan, có thành tích học tập khá, giỏi. Những trẻ này thường tự tạo áp lực với bản thân, nỗ lực không ngừng để giữ hình ảnh với bạn bè, gia đình, thầy cô. Điều này khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm, nhất là khi không đạt được kỳ vọng như mong muốn.
Nguyên nhân của rối loạn trên thường là do khối lượng kiến thức quá nhiều, trẻ chuẩn bị cho kỳ thi chưa tốt, tâm lý chưa vững vàng và áp lực từ nhà trường, bố mẹ… Căng thẳng, lo âu, trầm cảm thường diễn biến âm thầm, là kết quả của cả quá trình trẻ phải chịu áp lực về học tập, thi cử. Do đó, cha mẹ nên quan tâm tới con khi thấy trẻ có những hành vi, cảm xúc bất thường, như: hay cáu gắt hoặc khóc lóc vô cớ, mệt mỏi, buồn chán, không giao tiếp với mọi người…
Trẻ có biểu hiện mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn, bỏ ăn; hay có các triệu chứng cơ thể, như: đau bụng, đau đầu, đau ngực, tim đập nhanh… Trẻ thường lo lắng quá mức, luôn trong trạng thái căng thẳng, hồi hộp.
Học sinh cuối cấp, đặc biệt là cấp 3 thường hay phải đối mặt với nhiều áp lực học tập, thi cử từ chính bản thân, bạn bè, thầy cô và các bậc phụ huynh. Cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp cho con nhưng có nhiều phụ huynh quá sốt ruột khi điểm số của con chưa cao, lo lắng khi con không được vào "top" học sinh giỏi trong lớp, gây áp lực lại lên chính các con.
Cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con vì điều này vô tình tạo áp lực lớn cho con em mình. Cha mẹ nên hiểu rõ năng lực, sở trường của con để đặt mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con để đưa ra những tư vấn, cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải tỏa được những áp lực về học tập - thi cử.
Cha mẹ cũng cần đảm bảo cho con một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ, tập luyện thể dục, thể thao đều đặn, giúp con có một sức khỏe tinh thần tốt để tự tin vượt qua các kỳ thi một cách tốt nhất.
Hạ thấp những kỳ vọng
Làm cha mẹ ai cũng mong con cái có một tương lai tốt đẹp nhưng không có nghĩa là các bậc phụ huynh áp đặt những mong muốn của mình lên con cái. Trong khi đó, một số phụ huynh có tình trạng đặt kỳ vọng của bản thân vào con cái, muốn “ép” con thi vào những ngôi trường có tiếng, nhưng không quan tâm đến sở thích và năng lực học tập của con em mình. Nhiều thí sinh cho biết cảm thấy áp lực thi cử đè nặng khi sợ hãi sẽ phụ công lao và mong mỏi của mẹ.
Cha mẹ có vai trò quan trọng để hỗ trợ con vượt qua các kỳ thi quan trọng
Các chuyên gia giáo dục khuyên rằng các bậc phụ huynh nên đồng hành cùng con, tức là căn cứ vào năng lực sở trường, giúp con có nhận thức đúng về cuộc sống, về nghề nghiệp về sự phát triển bản thân, để các con đã tự giác phấn đấu, được quyền lựa chọn những cách phù hợp với mình chứ không phải nhiều cách lựa chọn chỉ là xuất phát từ huynh.
Để con tự đưa ra những quyết định dựa trên những đánh giá của cá nhân là cách các bậc phụ huynh tránh cho con mình những áp lực không cần thiết và tạo ra lợi thế tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi.
Không tạo thêm những áp lực
Người hỗ trợ cho nhóm “Childline” từng chia sẻ rằng, rất nhiều bạn trẻ thường cảm thấy vô cùng căng thẳng khi kỳ thi ập đến và những áp lực đó bắt nguồn từ chính gia đình. Hãy luôn lắng nghe con trẻ và đưa ra cho chúng lời khuyến khích và tránh những lời phê phán.
Trước khi họ bước vào kỳ thi, hãy vững tin và thật lạc quan để cho con cái biết được rằng thất bại không phải là điều gì quá to tát. Nếu mọi thứ không đến một cách dễ dàng, họ hoàn toàn sẽ có khả năng làm lại từ đầu.
Thực hành những vùng kiến thức họ đã nắm lòng thay vì tập trung vào những câu hỏi thật khó. Sau đó, hãy tiếp tục và tập trung vào bài kiểm tra tiếp theo, thay vì chăm chăm vào những thứ không thể thay đổi.
Quan sát và quan tâm
Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết nhiều học sinh trông có vẻ bình thường nhưng lại có nhiều cảm xúc tiêu cực trong mùa thi căng thẳng. Đa số các em học sinh giấu đi những cảm xúc này vì sợ cha mẹ thất vọng hoặc không muốn thừa nhận các vấn đề nghiêm trọng của bản thân. Chính vì vậy, trong giai đoạn thi cử, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian để quan sát con cái. Nếu thấy con mệt mỏi do học tập quá nhiều, hãy khuyên con nghỉ ngơi, thư giãn để phục hồi năng lượng. Nếu con cái có những dấu hiệu stress như mệt mỏi, đau cơ, mất ngủ, nóng giận vô cớ..thì cần chủ động nói chuyện và chia sẻ với con cái.
Đồng thời, các bậc phụ huynh có thể khuyến khích con cái bộc lộ những cảm xúc thật dù đó là sự bực tức, lo âu hay giận dữ…vì “bộc lộ luôn tốt hơn che giấu”. “Nếu muốn con có thể khóc”, “Nếu muốn con có thể ngừng học một vài ngày để thư giãn hơn”…là những lời khuyên khiến các sĩ tử cảm thấy dễ chịu và tin tưởng cha mẹ hơn.
Tuy nhiên, con bậc phu huynh nên khéo léo quan sát từ xa chứ không nên quản lý sát sao vì theo dõi “nhất cử nhất động” dễ khiến các em càng cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng.
Giúp con ăn uống khoa học và ngủ đúng giờ
Ăn uống điều độ không chỉ giúp con có đủ sức khỏe cho kỳ thi thử thách mà còn giúp giảm bớt những căng thẳng mùa thi. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong giai đoạn ôn thi, các thí sinh phải ăn đầy đủ các nhóm chất và bổ sung các thực phẩm tốt cho trí não. Các bậc phu huynh lưu ý rằng không nên ép con ăn quá nhiều vì dễ gây ra các vấn đề rối loạn tiêu hoá, tốt nhất nên tuân thủ quy tắc đủ chất- đủ bữa…
Cha mẹ có thể dành thời gian để chuẩn bị những món ăn bổ dưỡng giúp tăng cường trí não, giảm căng thẳng cho con như canh rau bina thịt băm, óc heo chưng bí đỏ, các món ăn từ cá và từ các loại hạt…
Đồng thời, nhiều phụ huynh ủng hộ con em uống trà, cà phê, nước tăng lực hoặc nhai kẹo cao su để tỉnh táo hơn trong học thi. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng các chất kích thích này không phù hợp với các em học sinh vì chất caffeine có trong các thức uống như cà phê, trà, nước tăng lực… làm tim đập nhanh, đi tiểu nhiều gây mất nước, mất ngủ, nhức đầu gây hại cho não và ngăn cản quá trình hấp thụ canxi vào cơ thể.
Khi thấy con ngồi học quá lâu, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở con nghỉ giải lao để không bị mất sức, cứ mỗi 45 phút nên nghỉ giải lao khoảng 10 phút. Đồng thời, đừng khuyến khích con thức khuya ôn bài vì thức khuya sẽ tàn phá sức khoẻ của người trẻ. Các bậc phụ huynh nên khuyên con đi ngủ sớm và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.
Thẳng thắn chia sẻ về những áp lực
Nhắc nhở con bạn rằng áp lực là điều bình thường và nó là một phản ứng tự nhiên khi kỳ thi đến. Nếu sự lo lắng đang cản trở thay vì giúp đỡ, hãy khuyến khích con bạn làm quen với những hoạt động sẽ xuất hiện trong các kỳ thi. Điều này sẽ giúp giảm bớt những áp lực.
Tạo ra một suy nghĩ dám đối mặt với nỗi sợ hãi thay vì trốn tránh cho con trẻ. Khuyến khích họ nghĩ về những kiến thức đã sở hữu và thời gian chúng đã chăm chỉ để dành ra cho việc học để bản thân cảm thấy tự tin hơn.
Chơi thể thao cùng con
Chơi thể thao được xem là một bài “thuốc tự nhiên” để chống lại căng thẳng hiệu quả. vì vậy, các bậc phụ huynh hãy luôn khuyến khích con mình tham gia luyện tập thể thao đều đặn. Cha mẹ có thể chủ động tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cho cả gia đình như cùng đạp xe, cùng chạy bộ hoặc leo núi…
Ngoài rèn luyện sức khỏe để giải tỏa stress, khi cùng tập luyện, các bậc phụ huynh sẽ có cơ hội nói chuyện, chia sẻ với con cái về kỳ thi. Hãy làm cho con trẻ cảm thấy rằng cha mẹ là những người bạn đồng hành chứ không phải là người tạo ra sức ép trong mùa thi.
Tặng quà cho con sau những nỗ lực
Cùng với con bạn, hãy nghĩ về những phần thưởng cho việc ôn tập chăm chỉ trong thời gian vừa qua. Phần thưởng không cần lớn hoặc đắt tiền. Chúng có thể bao gồm những việc đơn giản như làm những món ăn con cái yêu thích hoặc cho chúng xem TV. Khi các kỳ thi kết thúc, hãy ăn mừng bằng cách tổ chức một buổi đãi ngộ cho những nỗ lực của họ.
Vậy khi nào cần giúp đỡ?
Một số người trẻ tuổi cảm thấy tốt hơn khi các kỳ thi kết thúc, nhưng đó không phải là trường hợp chung cho tất cả mọi người. Hãy găp các chuyên gia tư vấn tâm lý nếu tâm trạng của con bạn không thật sự ổn định.
Số lần xem: 188